Luận bàn về Ngòi bút

Nhân sự phản hồi của bạn adthuyanh bên topic ‘Chữ viết tay của các thành viên’ về ký hiệu ngòi B của bút Pilot, cụ thể là cây Pilot 78G, sinh ra cái sự 'ông nói gà bà nói vịt' về kiểu ngòi. Ngẫm lại xem ra cái sự đặt ký hiệu ngòi bút máy (fountain pen) cũng nhiều vấn đề nên có phiếm luận này.
Thông thường hiện nay chia ngòi bút máy (tôi chỉ nói riêng bút máy - fountain pen chứ dip-pen, quill-pen, comic-pen lại là vấn đề khác) theo 3 dòng chính. Việc phân chia này là chủ quan theo cách nhìn nhận của cá nhân.
 
1 - ngòi tròn, ngòi thường (conventional nib) cho mục đích sử dụng viết hàng ngày, nét tròn đều không thay đổi ngay cả khi thay đổi hướng bút ,
 
2 - các loại ngòi cho mục đích viết calligraphy black-letter (ở ta hay gọi là ngòi viết nét thanh đậm). Calligraphy (thư pháp, mỹ tự pháp) nói ở đây là calligraphy cho hệ thống văn bản ký tự bảng chữ cái la-tinh alphabet (a, b, c …) chứ không nói đến calligraphy Đông phương (Trung, Nhật, Hàn, Hán Nôm Việt Nam) hay Ai cập, Trung Đông v.v… Ở đây do tính chất sẽ gọi chung là kiểu ngòi Italic/stub.
 
3 - ngòi nhọn có tính flex (flexible) cho calligraphy dạng roundhand như Copperplate/ Spencerian.
 
Ngòi tròn, ngòi thường (conventional nib) :
Ngòi tròn thì đơn giản, thông thường theo kích cỡ nét từ nhỏ đến lớn có ký hiệu là EF, F, M, B, BB, thậm chí là 3B. Có thể có thêm MF cho cỡ nét giữa M và F. Ngòi tròn có một biến thể là dạng Oblique với hình dáng ngòi tròn nhưng vát bên trái (theo chiều nhìn của mắt khi cầm bút đặt trên giấy bằng tay phải). Theo đó có các biển thể thông thường là 0M, 0B, 0BB, cá biệt có thể có 0F hay OBBB (O3B).
 
Kích cỡ của ngòi tròn cũng khác nhau theo từng hãng. Size M của Pelikan có thể to hơn của Lamy nhưng lại nhỏ hơn của Montblanc. Bút ướt (wet) sũng mực cũng có thể cho cảm giác nét bút to hơn. Theo cá nhân tôi, kích thước ngòi tròn có thể cỡ như sau :
-0,3 – 0,4mm cho size EF (Extra-Fine, rất mảnh)
-> 0,4 – 0,5mm cho size F (Fine, mảnh)
-> 0,5 – 0,7mm cho size M (Medium, trung bình)
-Tầm trên dưới 0,6mm cho size MF (Medium Fine)
-> 0,7 – 0,9mm cho size B (Broad, đậm)
-> 0,9 – 1mm cho size BB (Double Broad, rất đậm)
->1 mm – 1,2mm cho size 3B (siêu đậm)
 
Phân chia cỡ ngòi của Lamy
 
Phân chia cỡ ngòi của Pelikan
 
Phân chia cỡ ngòi của Parker
 
Phân chia cỡ ngòi của Pilot
 
Ngòi calligraphy Italic/stub:
Ngòi cho calligraphy la-tinh nói chung được ngầm hiểu là cho các kiểu black letter như Italic/Gothic/German text...
Cỡ ngòi Italic của Lamy
7 standard calligraphy sizes của Manuscript
 
Ngòi Italic 4B của Sheffer Prelude cho độ rộng tương đương 3mm.
 
Tầm những năm 90 thế kỉ trước trở về trước, ngòi cho mục đích calligraphy thường có tên là ngòi Italic, có thể do tính chất của ngòi chuyên biệt thể chữ Italic. Hiện đại thì thường được đặt tên theo kích cỡ ngòi tính bằng mm. Đơn cử ví dụ như Sheaffer của Mỹ, cùng 1 kiểu ngòi calligraphy nhưng thời trước có ký hiệu chữ 'Italic' kèm ký hiệu F, M, B, sau lại chỉ rõ kích thước tính bằng mm, có lẽ là do F, M, B không thống nhất được kích cỡ chính xác.
Ngòi calligraphy Sheaffer (USA) với chữ ký hiệu 'B' và kiểu ngòi được ghi rõ 'ITALIC'
 
Bút của châu Âu, vd Lamy, Pelikan (Đức), Stipula, Visconti (Italy) thường đơn giản mô tả kiểu ngòi là dạng Italic (Italic style nib) và thông tin kích cỡ ngòi bằng mm. Pelikan thì có loại ngòi này trong model 'Script'. Ngòi dạng Italic và stub có hình dáng khá giống nhau nên đôi khi hơi lẫn lộn.
Phân biệt Italic nib và stub nib
Italic nib và stub nib thường bị nhầm lẫn và thực sự cũng khó phân biệt. Classic Italic có các cạnh ngòi sắc (sharp blade), bản ngòi mỏng (thin) hơn. Cursive Italic cho phép viết nhanh hơn, là một dạng bo tròn các cạnh của Classic Italic. Theo đó, diện tích tiếp xúc với giấy (Paper contact area) cũng lớn hơn, vì vậy cùng một độ rộng (width/w), cũng một độ dày bản ngòi, ngòi Cursive Italic sẽ cho nét mảnh nhất (thinnest line) lớn hơn Classic Italic. Stub là dạng mượt hơn (smoother) của Cursive Italic.
 
Các ngòi bằng chất liệu thép thì thường bằng đầu, cạnh ngòi hơi bo mềm để viết trơn. Một số ngòi Italic bằng vàng thì thường có điểm iridium ở đầu ngòi để tránh mài mòn.
Điểm hạt (point) iridium đầu ngòi bút
 
Đó là bút Âu-Mỹ, bút Á mà điển hình là bút Nhật, cách ký hiệu kiểu ngòi cũng có sự khác biệt. Pilot có model Prera thì lại đặt là CM (calligraphy medium) với hàm ý ngòi cỡ trung bình để viết dạng calligrahy (mẫu tự la-tinh). Cùng hãng Pilot lại có model 78G có ký hiệu B nhưng lại là ngòi dạng italic/stub mà ta đã nhắc đến. Theo tôi nếu để thống nhất, ngòi này phải ký hiệu là CB (calligraphy broad) mới đúng. Model này có hình dáng ngòi giống Prera CM nhưng chất lượng kém hơn hẳn, có lẽ do chỉ là entry level.
 
Ngòi CM (calligraphy medium) của Pilot Prera (bên trái).
Còn lại là 4 mẫu ngòi của model Pilot 78G (F-M-B-BB) trong đó B và BB là dạng stub giống CM.
Về kích thước, mỗi hãng cũng có sự khác nhau trong cũng hệ ký hiệu F-M-B cho calligraphy nib. Pilot prera CM chỉ tương đương 0,8-0,9mm trong khi Sheaffer Italic F lại tương đương với Lamy Italic 1.1, tức là tầm 1,1mm.
 
Cùng mục đích nét thanh đậm nhưng Sailor (với slogan của hãng là 'Spirit of Japan' - Tinh thần của Nhật Bản) có một hệ thống ngòi đặc biệt của nghệ nhân Nobuyoshi Nagahara, thể hiện sự phong phú và tinh tế của tinh thần Nhật - nâng tầm văn hóa bút máy thành một thứ ‘Đạo’.
Ngòi Cross Emperor và nghệ nhân 80 tuổi Nobuyoshi Nagahara,
người kế nghiệp là con trai ông - nghệ nhân Yukio Nagahara
 
Ngòi King Eagle
Đài Loan (Taiwan) có hãng TWSBI cũng đơn giản theo kiểu Âu, lấy kích thước mm cho ký hiệu kiểu ngòi stub.
Trung Quốc thì lẩm cẩm hổ lốn khỏi nói nhưng cơ bản các kiểu ngòi dạng stub/italic cũng ký hiệu theo cỡ mm, phân biệt cũng không quá khó khăn.
Bút máy Trung Quốc (bút Tàu) nổi tiếng nhất ở Việt Nam là Hero. Hero với dòng bút Kim tinh là kỷ niệm của thế hệ học sinh Việt Nam 6x, 7x và đầu 8x. Hero có nhiều size ngòi : 0.38 - 0.5 - 0.7 - 0.8 -1.0 - 1.2 - 1.5mm, riêng loại ngòi ống/ngòi bao kín (Hero 331, 366 …) thì chỉ có 2 cỡ: 0.38 và 0.5mm. (*) Các ngòi trên là dạng ngòi tròn, tôi cũng chưa được thấy ngòi Italic trong bút Hero bao giờ.
 
Ngòi flex:
‘Fountain pen’ hiểu sát nghĩa là bút mực, dân ta lại hay gọi là bút máy mặc dù chả hiểu nó ‘máy’ ở đâu. Có lẽ là do sự tự động của dòng mực, cách vận hành để lấy mực nhất là với dạng piston vặn đuôi bút. Gọi là bút máy tôi chỉ thấy hợp nhất với cây Montblanc Boheme có ngòi thò thụt đầy chất khoa học kỹ thuật.
 
Ngòi bút máy thường bằng thép hoặc vàng. Ngòi vàng và ngòi thép có giá thành vật chất khác nhau nhưng sự phân biệt với người thích viết bút máy lại thiên về tính flex (tính uốn được, tính dẻo) của ngòi.
 
Ngòi thép thường cứng hơn ngòi vàng nhưng cũng vẫn được điểm hạt iridium ở đầu ngòi để tạo hình tròn trơn cho đầu bút, giúp chuẩn nét hơn đồng thời chống mài mòn.
 
Ngòi vàng bền vững hơn so với ngòi thép. Các cây bút cũ, bút cổ nhất là những cây bút có tuổi đời tầm 80-90 năm (1920-1930) thì đa phần là ngòi vàng, thường là vàng 585 (14k) hoặc 750 (18k). Với bằng đó thời gian, gần như không có ngòi thép nào có tể tồn tại mà vẫn sử dụng tốt được. Tuy là ngòi vàng, cũng tùy từng hãng, từng loại ngòi, độ flex ngòi cũng khác nhau.
 
Tiền thân từ dip pen/quill pen, bút máy cổ cần tính flex của ngòi để đảm bảo chuẩn mực thẩm mỹ của văn bản viết tay, thời đó phổ biến là dạng Copperplate hay Spencerian.
Đến đây ta đã nói sang vấn đề về ngòi flex.
 
Flex nib là tên gọi chung, chi tiết hơn có thể chia ra semi-flex, flex, super-flex theo tính chất flex hay fine flex, normal flex, broad flex theo cỡ nét. Flex cỡ nào thì cũng tùy từng hãng, giống như câu chuyện về cỡ ngòi tròn vậy. Được xếp vào dạng flex nhưng cây Ahab của Noodler muốn tạo ra tính flex thì cũng mất sức kha khá, trong khi Brause lại khá nhẹ nhàng tuy cả hai cùng là ngòi thép.
Ngòi thép flex của Noodler khá tốt, tuy nhiên cũng cần nhấn bút khá mạnh
 
Flex nib hay được nói đến với loại ngòi vàng. Ngòi vàng ngòi giá trị vật chất còn được đánh giá cao ở độ mềm dẻo và đàn hồi. Ngòi vàng flex thường là ngòi nhọn, đặc trưng của dip pen. Ngòi nhọn để có nét mảnh nhất có thể và flex để có nét rộng nhất có thể cũng trên 1 ngòi bút, đó chính là đặc điểm tạo nên thẩm mỹ riêng cho văn bản viết tay kiểu Copperplate và Spencerian.
 
Flex cỡ nào cũng tùy loại vật liệu được pha chế cùng vàng để chế ngòi. Cùng là ngòi 18k nhưng có ngòi mềm, mượt (smooth), có ngòi lại khá cứng như ngòi thép. Ngòi vàng của các dòng bút cổ, cũ đa số là smooth. Ngòi vàng hiện đại thì khá cứng. Ngòi vàng Montblanc hay Pelikan khá êm, ngòi vàng của Nhật lại hơi cứng. Đánh giá hay chọn cái sự cứng mềm này cũng tùy sở thích cũng như khả năng điều khiển nét bút của cá nhân.
 
Tôi đang ngâm cứu viết Copperplate và Spencerian bằng bút máy để có thể viết thường xuyên mọi lúc mọi nơi chứ không phải dip pen như bình thường với các hạn chế của nó, cũng đang quan tâm Namiki Falcon vì ngòi vàng soft-flex.
 
Chọn cỡ ngòi để viết :
Với ngòi tròn, tùy theo kiểu chữ to nhỏ hay sở thích của bạn mà chọn size ngòi cho phù hợp. Do sự khác biệt của các hãng trong sự phân định size, tốt nhất là chọn size ngòi bằng cách thử trực tiếp nếu có điều kiện. Bình thường thì chả ai viết chữ bé mà lại thích ngòi cỡ to, cũng như ít ai viết chữ to mà lại thích nét nhỏ (mảnh) cả.
 
Việc chọn size ngòi tròn cũng tùy mục đích sử dụng. Thích ghi chú bên lề sách thì thường là size EF hoặc F. Ký văn bản, hồ sơ thì thường là size M hoặc B, tất nhiên còn tùy chữ ký của bạn thế nào và bạn muốn trông nó thế nào nữa.
 
Ngòi cũng có tính khô và ướt (dry/wet) và nhiều người thích chọn bút/hãng bút theo đặc tính này. Tất nhiên khô và ướt còn tùy thuộc vào loại mực sử dụng. Cá nhân tôi thích bút ướt nên ưa Pelikan và Montblanc hơn cả.
 
Thông thường các loại bút nhập khẩu chính hãng ở Việt Nam chỉ có phổ biến ngòi M hoặc ngòi F, EF vì tính phổ thông. Không có lựa chọn về ngòi bán riêng. Thậm chí nếu bạn thích chiếc bút màu xanh ngòi M trong khi shop chỉ có bút màu đỏ ngòi M, bạn cũng không được đổi. Ngòi B cũng gần như không có, chưa nói gì đến ngòi Italic. Muốn mua các ngòi này chỉ có cách ship về từ nước ngoài.
 
Tôi thích viết chữ to nên thường dùng size B, trừ một số bút có ngòi vàng thì dùng size M do tính flex của ngòi vàng.
 
Với ngòi calligraphy, trước hết ta sẽ nói về kiểu chữ Italic. Vì là calligraphy (thư pháp, mỹ tự pháp) nên có một số yêu cầu để văn bản của bạn không bị lệch chuẩn. ‘Pháp’ chính là phương pháp, không chỉ ở cách vận bút mà còn là vấn đề chọn size ngòi phù hợp.
 
Trong đa phần các hướng dẫn về kiểu Italic, chiều cao chữ cơ bản (a, c, e, i, m, n, o, r, s, u, v, w, x, z) được lấy bằng 5 lần độ rộng nhất của ngòi. Nghĩa là nếu size ngòi 1,0mm, chiều cao chữ Italic là tầm 5mm để có được sự thanh nhã và cân đối. Nếu chiều cao chữ >5 lần size ngòi (x) văn bản sẽ trông có vẻ mảnh (thin) hay spindly (mảnh khảnh, khẳng khiu), nếu <5x thì trông lại có vẻ đậm (bold) hay chunky (lùn và mập).
Vị trí bút khi xác định độ rộng ngòi và sự mất cân đối về tỉ lệ chữ
 
 
Định cỡ chữ Italic theo kích thước ngòi
 
Kiểu Gothic có chiều cao chữ cơ bản bằng 4 lần kích thước ngòi.
Định cỡ chữ Gothic theo kích thước ngòi
 
Tất nhiên đến một lúc nào đó, bạn có thể muốn có một tác phẩm như dưới đây. Với tôi nó khá đẹp. Tuy nhiên nếu bạn đang tập luyện một cách cơ bản, tôi nghĩ đó là việc sau này, hiện tại thì việc định cỡ chữ theo chuẩn và viết thẳng hàng vẫn là cách tốt nhất.
 
Do chưa xác định là một chính luận về fountain nib do tính hệ thống và thông tin chưa được đầy đủ, tôi dừng tại đây với tính phiếm của bài viết. Các bạn có thể tham khảo nhưng chưa nên coi đây là các thông tin chuẩn. Tôi sẽ update bài viết, hy vọng có thêm nhiều thông tin hơn.
 
(*) Thông tin từ thành viên Lão Ngố (hhvn)

Nhắn tin cho chúng tôi